Cảm giác về một hành trình

Tôi có một cảm giác thật sự tĩnh lặng và bình an khi ngắm những bức tranh màu nước của Trương Văn Ngọc trong triển lãm "Mai sau hẹn với ban đầu". Khi bước lên chiếc cầu thang gỗ của căn biệt thự cũ số 30 Quang Trung, ngồi thảnh thơi nơi khoảng hiên nhỏ đầy ánh nắng, và bước vào phòng triển lãm, những ồn ào thường nhật dường như lắng lại. Giữa một đô thị ngày càng nhốn nháo và cằn cỗi, thì đâu đó, trong những góc nhỏ của nó, từng mảnh nhỏ của sự an tĩnh vẫn đang được chăm chút, gìn giữ.

Cảm giác yên bình, lắng dịu mà người xem cảm nhận được từ những bức tranh có lẽ là bởi Ngọc đã đưa vào trong tranh của mình hơi thở của tự nhiên. Núi, nước, đất, côn trùng, sen, mai là những hình tượng chính, được miêu tả bằng những nét vẽ tinh tế, đầy chuyển động, khiến người đọc có thể cảm nhận được vẻ mỏng manh của cánh chuồn, những ánh sáng tinh khiết tỏa ra từ một bông sen đang nở, đôi mắt vô lo của một chú cá trong làn nước trong vắt, sự tuôn trào của dòng thác, sức sống của nước hay khát vọng vươn lên của núi. Bằng cách tạo nên những đường viền ánh sáng dịu dàng, tinh tế bao quanh mỗi hình ảnh, họa sĩ diễn tả được năng lượng của sự sống tỏa ra từ mỗi chuyển động của những sự vật nhỏ bé.

Luôn có một cảm giác cân bằng và hài hòa trong tranh của Ngọc. Bên cạnh những gam màu tối và hình dáng rũ xuống của một đóa sen tàn là ánh sáng trong trẻo và hình dáng vươn lên của một bông sen đang hé nở. Bên cạnh những nét đậm, sẫm lại diễn tả vẻ vững chắc, mạnh mẽ và điềm tĩnh của núi là nét vẽ mờ và hư ảo hơn diễn tả sự mỏng manh và đường chuyển động của nước và sương khói. Phía bên trên những mảng màu tối sẫm, với những chuyển động dữ dội diễn tả những giằng co, xung đột và hoang mang nơi mặt đất là khoảng không gian bình lặng, đầy ánh sáng của bầu trời. Họa sĩ diễn tả một ý niệm của mình về tự nhiên, một tự nhiên có âm có dương, có sáng có tối, có những khoảng đứt gãy, vỡ vụn, có sinh trụ dị diệt, nhưng vẫn không ngừng nuôi dưỡng một sự sống mỏng manh và bất diệt. Sự bình an, điềm tĩnh và cảm giác lạc quan toát lên từ những bức tranh màu nước của họa sĩ có lẽ bắt nguồn từ lí do này.

Triển lãm tái hiện sự vận động trong hành trình nghệ thuật của họa sĩ, hành trình rời bỏ thực tại bên ngoài, quay lại với thế giới tinh thần bên trong. Khởi đầu, Ngọc cố gắng nắm bắt hình tướng của sự vật, sau đó, diễn tả thần thái của sự vật. Nhưng rồi, thế giới bên ngoài ngày càng biến ảo, nhòe mờ, chỉ còn lại là một khoảng mơ hồ, khó nắm bắt của tâm thức. Nhưng trong thế giới mơ hồ đó của tâm thức, người xem luôn nhận ra một vùng sáng, một điểm cân bằng thường đặt ở giữa bức tranh, tạo nên một cảm giác an lạc. Tôi không biết liệu có phải chính năng lượng vững chãi của thiền định đã tạo nên trạng thái tâm thức này.

Tối giản và hướng thượng, an lạc và hài hòa, trở lại với tự nhiên, những gì được biểu đạt trong tranh của Ngọc có lẽ chính là những gì tôi muốn kiếm tìm trong hành trình cuộc sống của mình. Có lẽ vì thế mà khi xem tranh, tôi tưởng như gặp một bạn tri âm, tưởng như đang nhìn vào chính con người bên trong mình. Phải chăng, đó cũng là những gì tất cả chúng ta đang cần, giữa một cuộc sống ngày càng trở nên hỗn loạn, khi thế giới đang trở nên chao đảo vì chiến tranh, dịch bệnh và những thảm họa thiên nhiên, khi con người không ngừng bị giày vò bởi tham vọng và bất an?

 

Hà Nội tháng 11/2023

Nguyễn Thị Ngọc Minh

(Tiến sĩ Ngữ Văn)